CẢNH GIÁC TRƯỚC PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO “VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO” TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thời gian gần đây, tình trạng công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tiếp tục có những diễn biến phức tạp, trong đó địa bàn xuất nhập cảnh trái phép có sự chuyển dịch từ địa bàn truyền thống như Trung Quốc sang các địa bàn khác như: Campuchia, Lào, Myanmar…. cũng chính vì vậy mà nhiều vụ việc công dân Việt Nam bị kẻ xấu dụ dỗ sang Lào, Campuchia,… lao động, làm “việc nhẹ, lương cao” ngày càng gia tăng. Thực chất, đây là hoạt động mua bán người, bóc lột sức lao động và buộc gia đình nạn nhân phải nộp số tiền chuộc rất lớn mới được thả về nước. Vì nhẹ dạ cả tin nên vẫn có nhiều người “sập bẫy”.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này thường hình thành đường dây phạm tội có tổ chức, sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram, Wechat…) đăng các bài quảng cáo, tuyển lựa lao động với nội dung cam kết “việc nhẹ, lương cao” hay trực tiếp tuyên truyền, trao đổi, rủ rê, lôi kéo, hướng dẫn, tổ chức cho công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép hoặc xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.

Cụ thể, khi đăng ký xin việc thì các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo hướng dẫn, đón người lao động, hỗ trợ làm các giấy tờ, thủ tục xuất cảnh và đưa đến các cửa khẩu để xuất cảnh sang Lào, Campuhia… hoặc thông qua các đường tiểu ngạch của các tỉnh giáp biên để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Khi xuất cảnh sang nước ngoài, người lao động được đưa đến làm việc tại các công ty trực tuyến, công việc cụ thể là lôi kéo người Việt Nam tham gia vào các trò chơi trực tuyến, cá cược trên mạng, các sàn giao dịch ảo, vay tiền qua ứng dụng hay các hình thức lừa đảo trực tuyến. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, hoặc tỏ thái độ chống đối, những người quản lý ở đây sẽ đánh đập, tra tấn. Đến khi muốn xin nghỉ việc thì các công ty này yêu cầu người lao động phải gọi điện thoại về cho gia đình, yêu cầu gửi sang một số tiền rất lớn (từ 100 đến 200 triệu đồng) để chuộc rồi mới thả về nước.

(Ảnh Internet)

Vì vậy, để phòng tránh các vấn đề trên, Cơ quan Công an đề nghị:

– Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ đến doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp hoặc liên hệ trực tiếp với địa phương nơi cư trú để được tư vấn kịp thời. Khi được Nhà nước cấp phép đi xuất khẩu lao động thì sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp nếu có hành vi ngược đãi hoặc tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

– Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân cần liên hệ cơ quan công an để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để điều tra, hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép để có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời.

– Cảnh giác sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết mà không có lý do chính đáng. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. Tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa./.

 

 

 

 

 

Bình Luận

Bình Luận